Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

VÕ SƯ PHẠM ĐÌNH TRỌNG

VÕ SƯ PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Lão võ sư năm nay bước vào tuổi 85. Ông sinh tại làng Thanh Hà, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 13 tuổi, ông thọ giáo thầy Đoàn Phong, một cao thủ Tây Sơn quyền. Năm 18 tuổi ông học võ công Bắc phái với võ sư Diệp Bửu Thành. Khi trở thành một tay đấm có tên tuổi khắp võ đài miền Trung, ông còn bái sư Diệp Trường Phát, chưởng môn phái Bình Định - An Thái. Đương thời ông được vang danh với tuyệt chiêu “Song long đoạt mệnh cước”. ..
Bí mật của một dòng họ
Vốn dòng dõi nhà Lê, tổ phụ ông - chí sĩ Lê Quang tham gia phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh. Khi phong trào bị đàn áp, cụ Lê phải bỏ xứ chạy vào Nha Trang lánh nạn. Để không bị truy lùng, ông thay tên đổi họ, sống ẩn dật với nghề phục dược. Từ đó, hậu duệ nhà Lê bất đắc dĩ phải mang họ Phạm.
Sinh ra trong gia đình làm thuốc, từ nhỏ, cậu bé Trọng đã biết theo ông lên rừng tìm cây thuốc. Chính những lúc này, cậu được ông khai tâm lòng yêu nước, truyền thống bất khuất của Lê Lai, Lê Lợi, những người con đất Lam Kinh. Rồi từ lúc nào, cậu đâm mê những chuyến đi rừng, để nghe ông kể chuyện đi làm cách mạng và truyền lại dòng võ gia truyền nhà họ Lê.
Tuổi thơ của Phạm Đình Trọng là những tháng ngày trui rèn. Vừa xong bậc tiểu học, cậu được gởi đến học chữ Nho với cụ tú Đoàn Quốc Cự. Cậu còn phải học y thuật với thầy Bảy Giỏi, một thầy lang nổi tiếng vùng Ninh Hòa. Đã thế, hằng đêm cậu cuốc bộ hơn 6 cây số để luyện quyền với thầy Đoàn Phong. Nhờ vậy, năm 18 tuổi, chàng trai Phạm Đình Trọng được tiếng bút pháp như rồng bay phượng múa, lại mát tay phục dược, võ công cao cường.
Vang danh trên võ đài
Để chứng nghiệm thành quả khổ luyện, cậu ra tận đất võ Bình Định để có cơ hội cọ xát. Trận đấu đầu đời, Trọng đụng phải Bửu Long, đệ tử tâm đắc của Diệp Bửu Thành. Vào trận, Long tự tin tấn công áp đảo. Không hổ danh Bắc phái Sơn Đông, Long thiện nghệ cước pháp. Đặc biệt anh có ngọn “Lôi công cước” nặng như búa tạ. Biết đụng phải kình địch, Trọng áp sát, đeo bám quyết liệt khiến đối phương mất chủ động, đòn chân bị vô hiệu hóa. Tuy lép vế trước đối thủ về thể hình lẫn thể lực, bù lại với đấu pháp khôn ngoan, Trọng luôn hóa giải hiệu quả sở trường của Bửu Long. Đánh suốt 3 hiệp bất phân thắng bại, tưởng đã cầm hòa. Trước khi kẻng báo dứt hiệp vang lên, bất ngờ Trọng táo bạo tung đòn quyết định “Song long đoạt mệnh cước” hất tung đối thủ xuống đài. Thắng oanh liệt, anh lọt vào mắt xanh Diệp Bửu Thành.
Thấy ở Trọng chân tướng võ gia, thầy Bửu Thành không tiếc truyền bí kíp bản môn.
Từ đó, Bửu Long và Đình Trọng là “nhị hổ tướng” trấn môn của võ phái, khiến các tay đấm kiêng dè

Võ công Bắc phái nổi tiếng cước pháp, sở trường đòn dài, phương thức tấn công triển khai trên diện rộng. Nhiều bài bản Sơn Đông dũng mãnh, đẹp mắt như Mãnh hổ xuất sơn, Nhị hổ qui sơn, Mãnh long quá hải, Ngũ long kiếm pháp, Trảm mã đao, Đồ long đao, Phong ma kích…

Suốt thời thanh niên, cái tên Phạm Đình Trọng nổi lên khắp võ đài Phan Thiết, Nha Trang, Phú Yên đến miệt “tứ Quảng” (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình). Cho đến năm 22 tuổi, Trọng chưa một lần nếm mùi thất bại. Những tưởng sở hữu danh hiệu “bất khả chiến bại”, không ngờ một lần đến An Thái, Trọng trở thành bại tướng dưới tay Diệp Bảo Sanh, con trai Diệp Trường Phát. Sinh thời, tên tuổi Diệp sư phụ danh trấn thiên hạ. Ông kết hợp nhiều dòng võ Nam quyền, Tây Sơn và cả võ Chăm, võ Miến Điện, hình thành quyền pháp vừa độc đáo vừa ác liệt.
Lão võ sư Phạm Đình Trọng rất cường tráng ở tuổi 85... - Ảnh: P.T(ảnh bên)

Quyền An Thái đặt trên nền tảng ngũ bộ: long, hổ, miêu, hầu và xà quyền. Long, Hổ thiên cương mãnh chủ công. Hầu quyền biến hóa, bộ pháp linh hoạt, thân thủ tốc độ, hóa giải đòn công, phá sức địch. Miêu, Xà quyền chủ nhu, phòng thủ kín kẽ, phản công chớp nhoáng… Tính đa dạng của võ Bình Định - An Thái làm đối phương không dễ “bắt bài”, khai thác nhược điểm. Thấy được tính biến hóa tinh diệu của quyền An Thái, Trọng nhất quyết bái sư thầy Diệp. Vốn ham học hỏi, luôn tìm tòi cái mới lạ, Phạm Đình Trọng còn chơi quyền Anh và chuyển sang thi đấu môn võ mới mẻ này cho đến ngày treo găng.
Làm thầy trên đất cao nguyên
Cho đến năm 1950, ông lên Đà Lạt mở võ đường, chính thức truyền bá sở học. Nói về võ phái của mình, ông cho biết: “Đất Lam Kinh xưa có một dòng võ xuất xứ từ nhà chùa có tên gọi là “Sa môn”. Theo thời gian, môn võ này lưu truyền cho những môn đồ tục gia. Sau này, theo sở đắc của những cao đồ có tính cách tân, Sa môn phân hóa 4 chi là Long, Hổ, Phong, Vân. Chi thứ nhất là “Sa long cương” của võ sư Trương Thanh Đăng. Chi thứ hai là “Sa hổ môn” cũng từ một nhà chùa ở Sóc Trăng (sau này có truyền nhân là võ sư Hổ Bạch Ân). Chi thứ ba ở Châu Đốc (An Giang). Chi thứ tư kết hợp Long quyền thành “Sa vân long”. Tới thầy Đoàn Phong là chưởng môn đời thứ 39”. Hiện lão võ sư Phạm Đình Trọng là chưởng môn đời thứ 41.
Năm 1971, võ sư Phạm Đình Trọng gia nhập Tổng cục Quyền thuật và Tổng hội Võ học Việt Nam. Từ năm 1993, ông tham gia Ban chấp hành Hội võ cổ truyền tỉnh Lâm Đồng. Ngoài nghề võ, người ta còn biết tiếng “thầy Sáu Trọng”, một lương y cao tay hết dạ vì y đức, sẵn lòng cứu người làm việc nghĩa. Với vốn Hán học uyên thâm, ông bỏ công nghiên cứu, biên dịch nhiều tư liệu cổ có giá trị cả võ học lẫn y học. Việc làm của ông không ngoài mục đích bảo tồn và lưu truyền di sản quý báu của tiền nhân cho thế hệ mai sau.

Anlong07-laodongta sưu tầm