Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Lá thư của một môn sinh Sa Long Cương


Lá thư của một môn sinh Sa Long Cương
Thưa sư phụ, xem xong 02 video clip hài là đệ tử muốn khóc và cảm thấy bủn rủn tay chân cũng như mất phương hướng thật sự.
Những người chân chính như mình thì học võ Cổ Truyền của dân tộc là để thấy hết cái hay, cái quí, cái tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam anh hùng và cái tinh túy của các bậc tiền nhân đã bao đời chắt lọc thì có tội gì đâu? Chúng ta học võ của dân tộc mình không lẽ là có tội? không lẽ bị lên án? và bị miệt thị khinh khi?, hay là phải đi học võ ngoại lai của một dân tộc khác mới là người yêu nước? đệ tử cảm thấy chán nản vô cùng.
Mình học một môn võ chân chính, làm điều chân chính và không thẹn với lương tâm, không thẹn với tổ tiên giòng họ, không thẹn với tổ quốc thân yêu. Nhưng giờ đây và về sau giống như người ăn trộm: Học võ mà cũng không dám tự hào về môn võ của mình, rồi còn lo sợ bị nghi ngờ là người không có ích; học võ mà không dám đem ra dạy cho con cháu của chính mình để cho nó thấy được cái hay, cái quí của cha ông, để nó tự vệ được bản thân và trở thành người có ích, là cũng chỉ vì sợ nó ngày sau mang tiếng là đồ đệ của môn võ đó, rồi còn lo cả cho nó về tương lai cũng sợ bị nghi ngờ. Hay là để cho nó ra ngoài tìm môn võ khác mà học để được tự hào, để được trọng dụng, để tự vệ được bản thân và để khỏi bị nghi ngờ, để khỏi liên lụy vì một tội duy nhất là Đệ tử của Sa Long Cương?
Đệ tử cảm thấy bế tắc và chán nản thật sự.
Nhưng những người mà em nghĩ do thiếu hiểu biết, thiếu trình độ nhận thức làm những việc sai trái mới là có tội. Tội với tiền nhân, với Sư Trưởng đã bỏ biết bao nhiêu trí tuệ và công sức mới sáng lập được một bộ môn mà ở đó những ai thật sự có tâm huyết, có đam mê và niềm tin thì mới thấy được cái hay, cái tài của môn phái. Họ có tội với những người chân chính như chúng ta, có tội với lớp trẻ có tinh thần dân tộc và yêu nước nhưng rồi đây sẽ không còn được học môn phái Sa Long Cương.
Với vai trò, trách nhiệm và bổn phận của mình, đệ tử nghĩ Thầy phải viết một lá thư gởi cho các vị Võ Sư có vai vế trong môn phái phân tích thiệt hơn, những tác hại khôn lường và tội lỗi ngày sau họ có thể đem lại cho con cháu của mình để họ thấy và thức tỉnh. Họ có tỉnh hay không tỉnh, Thầy cũng phải nói vì đó là việc của một người đệ tử chân chính có tâm, có tầm với môn phái và có tấm lòng yêu nước như chúng ta. Ngoài ra, đệ tử còn mong muốn Thầy mời phụ huynh của các cháu mà Thầy đang dạy lại, nói hết với họ những gì thầy đã, đang và sẽ thấy để họ có hướng quyết định rằng cho con họ học nữa hay không để sau này không phiền trách được mình.
Còn riêng đệ tử thì vẫn vậy, vẫn âm thầm lặng lẽ, không khoe mẽ, phô trương, không ham hố danh lợi và tuyệt đối không làm chuyện sằng bậy, vẫn muốn học hết những cái hay của Thầy, của môn phái rồi để đó. Ai thật tâm muốn học thì tới tìm, kẻ nào làm bậy thì tội chịu.
Vài lời tâm sự cùng thầy.
Đệ tử .


Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

LÃO ĐÔNG TÀ ( Lễ cấp giấy chứng nhận HLV năm 1988 )


LÃO ĐÔNG TÀ 
( Lễ cấp giấy chứng nhận HLV năm 1988 )
Trong không khí hân hoan chào mừng ngày chính thức được Sở Thể Dục Thể Thao cấp giấy chứng nhận HLV sau hơn 03 tháng tập huấn về lý thuyết và kỹ năng sư phạm tại sân vận động Phú Thọ Q5,TPHCM, buổi lễ được tổ chức tại nhà thi đấu Phan đình Phùng đường Nguyễn đình Chiểu Q1,TPHCM.
Vận động viên từ các câu lạc bộ TDTT ở các Quận Huyện gửi danh sách tập huấn sau khi đã được kiểm tra về chuyên môn và được duyệt qua phòng TDTT mà HLV đang sinh hoạt để được tham dự khóa tập huấn này. 
Giấy chứng nhận Võ Sư thuộc đẳng cấp 18 phải đủ độ tuổi từ 32 trở lên là Bạch đai (có tua), dưới 32 tuổi là HLV đẳng cấp 17 là Bạch đai (không có tua) HLV đẳng cấp 16 là Hồng đai tứ đẳng... 
Trong đợt này bên bộ môn Sa Long Cương có 2 người tham dự nhưng chưa đủ 32 tuổi đó là Võ Sư Nguyễn Quốc Hùng 23 tuổi & Lão Đông Tà 27 tuổi ( VS Nguyễn Phi Long ) từ câu lạc bộ TDTT Quận Bình Thạnh cử đi.
 Võ Sư Quốc Hùng người thứ 5 hàng đầu từ phải qua trái.
 Lão Đông Tà người thứ 2 hàng đầu từ phải qua trái.

anlong07-laodongta

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

VÕ SƯ PHẠM ĐÌNH TRỌNG

VÕ SƯ PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Lão võ sư năm nay bước vào tuổi 85. Ông sinh tại làng Thanh Hà, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 13 tuổi, ông thọ giáo thầy Đoàn Phong, một cao thủ Tây Sơn quyền. Năm 18 tuổi ông học võ công Bắc phái với võ sư Diệp Bửu Thành. Khi trở thành một tay đấm có tên tuổi khắp võ đài miền Trung, ông còn bái sư Diệp Trường Phát, chưởng môn phái Bình Định - An Thái. Đương thời ông được vang danh với tuyệt chiêu “Song long đoạt mệnh cước”. ..
Bí mật của một dòng họ
Vốn dòng dõi nhà Lê, tổ phụ ông - chí sĩ Lê Quang tham gia phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh. Khi phong trào bị đàn áp, cụ Lê phải bỏ xứ chạy vào Nha Trang lánh nạn. Để không bị truy lùng, ông thay tên đổi họ, sống ẩn dật với nghề phục dược. Từ đó, hậu duệ nhà Lê bất đắc dĩ phải mang họ Phạm.
Sinh ra trong gia đình làm thuốc, từ nhỏ, cậu bé Trọng đã biết theo ông lên rừng tìm cây thuốc. Chính những lúc này, cậu được ông khai tâm lòng yêu nước, truyền thống bất khuất của Lê Lai, Lê Lợi, những người con đất Lam Kinh. Rồi từ lúc nào, cậu đâm mê những chuyến đi rừng, để nghe ông kể chuyện đi làm cách mạng và truyền lại dòng võ gia truyền nhà họ Lê.
Tuổi thơ của Phạm Đình Trọng là những tháng ngày trui rèn. Vừa xong bậc tiểu học, cậu được gởi đến học chữ Nho với cụ tú Đoàn Quốc Cự. Cậu còn phải học y thuật với thầy Bảy Giỏi, một thầy lang nổi tiếng vùng Ninh Hòa. Đã thế, hằng đêm cậu cuốc bộ hơn 6 cây số để luyện quyền với thầy Đoàn Phong. Nhờ vậy, năm 18 tuổi, chàng trai Phạm Đình Trọng được tiếng bút pháp như rồng bay phượng múa, lại mát tay phục dược, võ công cao cường.
Vang danh trên võ đài
Để chứng nghiệm thành quả khổ luyện, cậu ra tận đất võ Bình Định để có cơ hội cọ xát. Trận đấu đầu đời, Trọng đụng phải Bửu Long, đệ tử tâm đắc của Diệp Bửu Thành. Vào trận, Long tự tin tấn công áp đảo. Không hổ danh Bắc phái Sơn Đông, Long thiện nghệ cước pháp. Đặc biệt anh có ngọn “Lôi công cước” nặng như búa tạ. Biết đụng phải kình địch, Trọng áp sát, đeo bám quyết liệt khiến đối phương mất chủ động, đòn chân bị vô hiệu hóa. Tuy lép vế trước đối thủ về thể hình lẫn thể lực, bù lại với đấu pháp khôn ngoan, Trọng luôn hóa giải hiệu quả sở trường của Bửu Long. Đánh suốt 3 hiệp bất phân thắng bại, tưởng đã cầm hòa. Trước khi kẻng báo dứt hiệp vang lên, bất ngờ Trọng táo bạo tung đòn quyết định “Song long đoạt mệnh cước” hất tung đối thủ xuống đài. Thắng oanh liệt, anh lọt vào mắt xanh Diệp Bửu Thành.
Thấy ở Trọng chân tướng võ gia, thầy Bửu Thành không tiếc truyền bí kíp bản môn.
Từ đó, Bửu Long và Đình Trọng là “nhị hổ tướng” trấn môn của võ phái, khiến các tay đấm kiêng dè

Võ công Bắc phái nổi tiếng cước pháp, sở trường đòn dài, phương thức tấn công triển khai trên diện rộng. Nhiều bài bản Sơn Đông dũng mãnh, đẹp mắt như Mãnh hổ xuất sơn, Nhị hổ qui sơn, Mãnh long quá hải, Ngũ long kiếm pháp, Trảm mã đao, Đồ long đao, Phong ma kích…

Suốt thời thanh niên, cái tên Phạm Đình Trọng nổi lên khắp võ đài Phan Thiết, Nha Trang, Phú Yên đến miệt “tứ Quảng” (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình). Cho đến năm 22 tuổi, Trọng chưa một lần nếm mùi thất bại. Những tưởng sở hữu danh hiệu “bất khả chiến bại”, không ngờ một lần đến An Thái, Trọng trở thành bại tướng dưới tay Diệp Bảo Sanh, con trai Diệp Trường Phát. Sinh thời, tên tuổi Diệp sư phụ danh trấn thiên hạ. Ông kết hợp nhiều dòng võ Nam quyền, Tây Sơn và cả võ Chăm, võ Miến Điện, hình thành quyền pháp vừa độc đáo vừa ác liệt.
Lão võ sư Phạm Đình Trọng rất cường tráng ở tuổi 85... - Ảnh: P.T(ảnh bên)

Quyền An Thái đặt trên nền tảng ngũ bộ: long, hổ, miêu, hầu và xà quyền. Long, Hổ thiên cương mãnh chủ công. Hầu quyền biến hóa, bộ pháp linh hoạt, thân thủ tốc độ, hóa giải đòn công, phá sức địch. Miêu, Xà quyền chủ nhu, phòng thủ kín kẽ, phản công chớp nhoáng… Tính đa dạng của võ Bình Định - An Thái làm đối phương không dễ “bắt bài”, khai thác nhược điểm. Thấy được tính biến hóa tinh diệu của quyền An Thái, Trọng nhất quyết bái sư thầy Diệp. Vốn ham học hỏi, luôn tìm tòi cái mới lạ, Phạm Đình Trọng còn chơi quyền Anh và chuyển sang thi đấu môn võ mới mẻ này cho đến ngày treo găng.
Làm thầy trên đất cao nguyên
Cho đến năm 1950, ông lên Đà Lạt mở võ đường, chính thức truyền bá sở học. Nói về võ phái của mình, ông cho biết: “Đất Lam Kinh xưa có một dòng võ xuất xứ từ nhà chùa có tên gọi là “Sa môn”. Theo thời gian, môn võ này lưu truyền cho những môn đồ tục gia. Sau này, theo sở đắc của những cao đồ có tính cách tân, Sa môn phân hóa 4 chi là Long, Hổ, Phong, Vân. Chi thứ nhất là “Sa long cương” của võ sư Trương Thanh Đăng. Chi thứ hai là “Sa hổ môn” cũng từ một nhà chùa ở Sóc Trăng (sau này có truyền nhân là võ sư Hổ Bạch Ân). Chi thứ ba ở Châu Đốc (An Giang). Chi thứ tư kết hợp Long quyền thành “Sa vân long”. Tới thầy Đoàn Phong là chưởng môn đời thứ 39”. Hiện lão võ sư Phạm Đình Trọng là chưởng môn đời thứ 41.
Năm 1971, võ sư Phạm Đình Trọng gia nhập Tổng cục Quyền thuật và Tổng hội Võ học Việt Nam. Từ năm 1993, ông tham gia Ban chấp hành Hội võ cổ truyền tỉnh Lâm Đồng. Ngoài nghề võ, người ta còn biết tiếng “thầy Sáu Trọng”, một lương y cao tay hết dạ vì y đức, sẵn lòng cứu người làm việc nghĩa. Với vốn Hán học uyên thâm, ông bỏ công nghiên cứu, biên dịch nhiều tư liệu cổ có giá trị cả võ học lẫn y học. Việc làm của ông không ngoài mục đích bảo tồn và lưu truyền di sản quý báu của tiền nhân cho thế hệ mai sau.

Anlong07-laodongta sưu tầm



Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Võ Sư TỪ NGHĨA và các Sư Đệ thành lập công ty TNHH-TM SA LONG CƯƠNG

Võ Sư TỪ NGHĨA và các Sư Đệ 
(Thành lập công ty TNHH-TM SA LONG CƯƠNG)



Võ Sư TỪ NGHĨA về Thăm bảo tàng Quang Trung - Bình Định

Võ Sư TỪ NGHĨA 
(Về thăm bảo tàng Quang Trung - Bình Định)




Võ Sư TỪ NGHĨA và các Sư Đệ viếng thăm Võ Sư Trương Bá Đương

Võ Sư TỪ NGHĨA và các Sư Đệ 
(Viếng thăm Võ Sư Trương Bá Đương tại tư gia)



Võ Thuật Cổ Truyền Việt Nam


VÕ THUẬT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
-         Võ thuật cổ truyền Việt Nam gắn liền với cuộc sống và đi theo suốt chiều dài của lịch sử, vì có lúc thăng lúc trầm, nhưng võ cổ truyền Việt Nam là một mãng văn hoá tinh thần đầy tự hào của nhiều thế hệ người VN. Lịch sử đã ghi chép chứng minh biết bao gương dũng cảm nêu cao tinh thần thượng võ , dùng tài năng trí tuệ, đạo đức lối sống để xây dựng nên môn võ thành triết lý sống riêng cho dân tộc mình.
-         Võ thuật được hình thành từ khi loài người thông qua lao động cùng với sự tồn tại và phát triển, sống mưu sinh thoát hiểm, chống lại thú dữ, thiên tai địch hoạ, thông qua những động tác lao động , tập luyện với các công cụ để tạo nên những bài quyền đích thực.
-         Dân tộc Việt Nam trãi qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước, môn võ cổ truyền đã được hình thành và phát triển, được các thế hệ tiếp tục truyền bá học tập, nó là món ăn tinh thần, là giấc ngủ bình yên , là tính sống còn, là những cảm thông chia sẻ, hiển nhiên là của quốc gia dân tộc, nó được bảo lưu trân trọng, nó là niềm tự hào của dân tộc.
-         Dân tộc ta với lối sống đạo hiếu, làm việc trượng nghĩa, càng thấm nhuần đạo lý “ Nhân - nghĩa - lễ - trí - tín” , do vậy võ cổ truyền VN là chính của người VN, ý thức Quốc Gia độc lập tự chủ và truyền thống dân tộc bất khuất, tinh thần thượng võ hình thành trong huyết thống của người dân đất Việt, thể hiện qua các cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ ngoại xâm, và võ cổ truyền VN đã vươn ra thế giới với xu thế hội nhập.
-         Võ cổ truyền VN được gọi là võ trận, với ý nghĩa võ thuât dùng trong chiến trận để chống giặc giữ nước, thể hiện đầy sinh động trong tính cách “ Quyết chiến-Quyết thắng” và môn phái Sa Long Cương là một minh chứng hiện hữu.
Anlong07-laodongta
Một giờ nói chuyện với
Sư trưởng TRƯƠNG THANH ĐĂNG
( Trần Thế Thủy ghi )


          trưởng Trương Thanh Đăng hiện là giám đốc võ đường Sa Long Cương ở số 137/43 Nguyễn Cư Trinh Sài Gòn. Ông thuộc môn phái võ cổ truyền Việt Nam. Tuy đã ngoài thất tuần nhưng dáng vẻ còn sắc bén lắm, nói chuyện rất linh hoạt. Trải qua mấy mươi năm tận tụy dạy dỗ đám môn sinh, ngày đêm lo lắng truyền dạy hết sở học của mình cho môn đồ, không quản ngại khó khăn, và sẵn sàng hi sinh cho lý tưởng võ nghiệp.
          Ông sinh năm 1895, bắt đầu học võ hồi 14 tuổi, học chính gốc võ Bình Định. Lúc đầu ông theo học thầy Trương Trạch, cử nhân võ thời bấy giờ, ông thầy đầu tiên này dạy cho ông thaäp bát ban. Sau đó, ròng rã trong 15 năm ông học qua hai ông thầy nữa: ông Hai Cụt ở làng Cẩm Thượng, ông Nguyễn Văn Cát (tự Ba Cát) ở An Nhơn. Khi trở về quê nhà (Phan Thiết), ông học thêm võ Thiếu Lâm với lần lượt 7 ông thầy tàu, rước về nhà dạy.
-         Bởi động lực nào mà ông dấn thân vào võ học cũng như cơ hội nào đưa ông tới đó?
-         Hồi tôi 13 tuổi lúc  học ở trường Dục Anh (Phan Thiết) ở đây cho mướn truyện Tàu. Hồi đó tôi say mê truyện Tàu lắm, nhất là mê ông Triệu Tử, bởi có một cây thương mà ông chống cự cả vạn người. Đó là mầm mống nảy sinh ý tưởng học võ. Bởi đầu óc non nớt của tôi lúc đó tự hỏi tại sao có chuyện như vậy, do đó muốn tìm hiểu xem có đúng hay không, có thực như vậy ở ngoài đời chăng. Do đó tôi xin gia đình cho ra Bình Định để học.
-         Có những khó khăn nào xảy ra cho cá nhân cũng như hoàn cảnh lúc đó không, thưa ông?
-         Kể ra thì không có khó khăn gì, vì thời ấy còn thái bình.
-         Theo ông, muốn học võ thành công cần có những đức tính nào?
-         Mình muốn kết quả thì phải bền chí, phải có tinh thần chủ định theo dõi từng động tác.
-         Có bao giờ ông tự nhận mình có một số võ thuật đúng mức chưa?
-         Không dám, dầu người nhỏ tuổi hơn tôi thấy tôi có khuyết điểm gì cứ dạy bảo, sẽ chữa ngay.
-         Có những tự hào nào cho ông trong võ nghiệp này?
-         Không tự hào cũng như không có quan niệm gì hơn ai. Theo sức tôi học được ở tiền bối bao nhiêu đem truyền lại cho hậu sinh bấy nhiêu.
-         Sở trường của ông là những đòn nào? Cước, quyền?
-         Cái nào cũng vậy, cái nào cũng xài được. Vì võ thuật là đánh đỡ và đỡ đánh, mà đỡ cũng là đánh, cái đánh cũng là để đỡ, xong tới đỡ rồi đánh, sẽ chậm hơn. Trái lại võ thuật phải liên tục, khi đánh người ta ở trên là phải biết ở dưới ra sao.
-         Khả năng võ thuật của ông đến mức nào vậy? Ông có thể cho một vài ví dụ điển hình về khả năng đó hoặc những thành tích đã đạt được trong quá khứ?
-         Tôi đưa ra một ví dụ nhỏ: hồi 29 tuổi, một ngọn đá tôi từ Phan Thiết tới Bình Định đều nghe danh. Nói về lúc học roi, tôi học 24 đường roi của cậu Tư, hai thầy trò mỗi người cầm một cây thước kẻ ngồi học, thế mà sau đó tôi đều thuộc hết và múa được. Về thành tích hồi còn thanh niên một mình tôi đã phải đương đầu với 200 người hung hăng, dân nốt sổi (bạn ghe). Ban đầu tôi chỉ là người can gián, vì hiểu laàm họ vây tôi bằng dao búa, cây gỗ hơn nửa giờ, tôi thoát ra khỏi vòng vây và đứng nhìn vào, họ thấy vậy nên giảng hòa.
-         Trong quá trình sự nghiệp võ thuật ông đã làm những điều gì có thể coi như mãn nguyện nhất?
-         Thấy truyền được nghệ thuật của mình cho học trò đến mức độ có thể làm võ sư được là thấy vui rồi.
-         Ông bắt đầu hành hiệp từ lúc nào? Mở võ đường, dạy võ…?
-         Năm 1925 tôi bắt đầu dạy các anh em, kéo dài được 5 năm ở Phan Thiết. Sau vì lánh nạn Tây thực dân nên vào Sài Gòn, ban ngày làm việc ở sở, tối về nhà dạy, đó là những năm 1930 trở về sau. Mãi đến năm 1964 mới có Tổng Cuộc Quyền Thuật, do đó có xin được giấy phép mới trương được bảng hiệu lên. Đó là bảng hiệu Sa Long Cương bây giờ.
-         Mục đích của ông trong việc truyền dạy võ học, võ thuật như thế nào?
-         Mục đích của tôi là muốn truyền bá ra cho mọi người, đào luyện anh tài cho xứ sở.
-         Ông dùng võ thuật để phục vụ cho một lý tưởng nào?
-         Phục vụ cho một thế hệ thanh niên mạnh, cho họ có một sức khỏe dồi dào, đủ tự tin để chống trả mọi bất trắc, và do đó cũng sửa chữa được giới thiếu niên phạm pháp.
-         Nghĩa là có một số võ thuật khá rồi con người bớt tính hống hách, sằng bậy chứ?
-         Chắc chắn là học trò tôi không làm bậy.
-         Với cương vị hiện tại ông có nghĩ rằng mình đã góp phần xây dựng quốc gia và xã hội không?
-         Như tôi vừa nói mục đích tôi là hướng dẫn đào tạo cho thanh niên xứng đáng là một người công dân tốt cho quốc gia, cho ngoại bang nể mình.
-         Theo ông, võ thuật có ảnh hưởng gì đến chính trị không?
-         Tại cá nhân mình, tôi thấy chỉ lo về võ thuật thôi, đó là phần chuyên môn của mình, không biết cũng như không gia nhập chính trị.
-         Ông nghĩ sao về sự du nhập và bành trướng các môn ngoại quốc ở Việt Nam?
-         Tôi không quan tâm đến, ai có sức làm gì thì làm, tôi chỉ lo phận tôi.
-         Nghĩa là ông chỉ lo thế nào để duy trì môn võ thuật thuần túy Việt Nam này?
-         Đúng, tôi chuyên tâm về võ học nước nhà, võ ngoại quốc vào đây ai học cũng tốt.
-         Ông nghĩ thế nào về môn võ cổ truyền Việt Nam. Tại sao có quan niệm bí truyền của người xưa?
-         Tôi cho rằng khi mình học tới bậc cao mỗi khi chiến đấu địch,  mình có thể đánh địch thủ mà địch thủ không đánh mình được chính xác. Đặc điểm của môn võ cổ truyền là ẻo lả, bay bướm nhưng độc đáo, bởi lúc đánh vào thì như búa bổ
-         Ông có nghĩ rằng sự bành trướng võ thuật bao giờ cũng tốt? Lợi hại ra sao?
-         Lợi là cho thanh niên một sức khỏe dồi dào. Nhưng phải tập luyện làm sao để có một võ lực cũng như một tấm lòng đức độ song song. Có thể tránh được tiếng võ phu, côn đồ, vì nhờ có đạo dức kèm theo. Phần hại, nếu mình dạy không đúng, cắt nghĩa không rành thì khác nào đưa lưỡi dao cho nó tự vận, không ích gì.
-         Ông nhận xét gì đối với thế hệ thanh thiếu niên bây giờ, cũng như đám môn sinh của ông hiện tại?
-         Tôi thấy lúc này thanh niên đang chạy theo những trào lưu bên ngoài, có nhiều cái phức tạp, nên cho nó biết cái gì của Việt Nam, truyền thống văn vật…
-         Còn riêng với đám môn đồ của ông thì sao?
-         Chỉ dẫn cho nhiều người thành công, điều đó cũng đủ vui rồi.
-         Ông có ý kiến gì về công cuộc bành trướng võ học và võ thuật trong tương lai, cũng như cần sự trợ giúp của chính quyền?
-         Nếu giúp cho thế hệ thanh niên mạnh, sức khỏe dồi dào. Cũng cần chính quyền hỗ trợ chẳng hạn lập võ đường công cộng, gom hết các võ sư lại, bành trướng rộng rãi phong trào võ thuật hơn.

(Anlong07-laodongta  bảo tồn)